TẤT TẦN TẬT VỀ “THIỀN”

Khi Trái Đất bắt đầu chuyển lên chiều không gian 5D thì việc thực hành tâm linh, cũng như THIỀN cũng bắt đầu được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hiểu nhằm rằng “Thiền” chỉ là hành động ngồi xếp bằng, hai tay bắt ấn để lên đầu gối và quan sát hơi thở, hay có những nhận định về thiền như: phải giữ được tâm không suy nghĩ thì mới thiền được, hoặc thiền chỉ giúp người thực hành giảm căng thẳng, sáng suốt, giữ tinh thần lạc quan tích cực mà thôi,… Vậy thiền có thật sự giống nhiều người vẫn hay nghĩ hay không? Mời các bạn cùng mình khám phá nhé!

 I. Thiền là gì và trọng tâm của thiền?

Thiền là một từ dùng để gọi chung cho quá trình tập trung đưa ý thức quan sát của bản thân để quan sát những gì đang diễn ra bên trong nội tâm của bạn, nhằm mục đích NHẬN RA KHOẢNG CÁCH giữa Ý THỨC ĐANG QUAN SÁT với CƠ THỂ – SUY NGHĨ và CẢM XÚC của bạn. Nó bao gồm quan sát những gì đang diễn ra trên cơ thể của bạn: quan sát hơi thở vào-ra, quan sát những phản ứng của cơ thể, quan sát những chỗ căng cứng đau-nhứt. Và đặc biệt là, quan sát những dòng suy nghĩ đang liên tục xuất hiện trong đầu bạn, quan sát những cảm xúc dễ chịu-khó chịu đang toả ra xung quanh phần ngực của bạn.

Nói tóm lại, trọng tâm của thiền chỉ nằm ở  “Ý THỨC QUAN SÁT”, ở đâu có ý thức quan sát ở đó có thiền, khi nào có ý thức quan sát khi đó được gọi là thiền. Do đó, bất cứ việc gì bạn làm và có đặt ý thức quan sát của bạn vào thì đều được gọi thiền, đó có thể là đọc sách, nghe nhạc, xem phim, chạy bộ,… không chỉ việc ngồi xếp bằng quan sát hơi thở thì mới gọi là thiền đâu, kể cả có ngồi xếp bằng mà không có sự chú tâm quan sát thì cũng không được gọi là thiền, chỉ khi nào có ý thức quan sát thì mới được gọi là thiền.

 II. 3 lợi ích không tưởng của thiền
 1. Giúp giải phóng nghiệp:

Nghiệp về bản chất là những trải nghiệm chưa hoàn thành/ những ký ức còn dang dở được giữ lại bên trong các lớp cơ thể của bạn dưới dạng những khối năng lượng. Đây cũng chính là nguyên nhân hình thành nên những niềm tin giới hạn, những nỗi sợ, cảm xúc khó chịu khi có tình huống nào đó chạm vào.

Một ví dụ dễ hiểu là: Trong quá khứ bạn quen người Bắc và người này đã lừa dối, phản bội bạn, bạn rất đau khổ và tức giận khi trải qua tình huống đó và bạn vẫn chưa giải quyết hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực về người đó. Và sau đó, khi gặp những người có đặc điểm giống người đã lừa dối bạn hoặc người Bắc nào đó cũng khiến bạn khó chịu và nghi ngờ họ, và nếu tình huống tương tự vẫn lặp đi lặp lại sẽ làm bạn hình thành nên niềm tin rằng những người có những đặc điểm như thế là những người lừa dối. Đó chính là những trải nghiệm chưa hoàn thành/ hay những ký ức gian dỡ

Nếu trong kiếp sống này bạn vẫn không giải quyết vấn đề của bạn với những tình huống này thì những trải nghiệm/ký ức này sẽ được mã hoá dưới dạng DNA di truyền sang các thế hệ sau của bạn do đó người ta mới có cái nghiệp gọi là nghiệp gia tộc. Chẳng những vậy nó còn được mã hoá dưới dạng năng lượng và được lưu lại và trở thành bài học ở các kiếp sống sau, nó vẫn sẽ xuất hiện những tình huống tương tự như thế để bạn nhận ra và hoàn thành bài học cho trải nghiệm đó.

Và thiền là một trong những cách sẽ giúp bạn nhận ra và hoàn thành những trải nghiệm còn dang dở này hay nói gần gũi hơn thì thiền còn giúp bạn giải phóng những niềm tin giới hạn, những nỗi sợ, tổn thương từ quá khứ ở kiếp này hay kiếp khác, để từ đó nâng bạn nâng lên một mức phát triển mới, khai mở những tiềm năng sẵn có, nâng cao tần số rung động

 2. Nâng cao tần số rung động

Những khối năng lượng tắc nghẽn được đề cập phía trên cũng là một trong các nguyên nhân hạ thấp tần số rung động của bạn, điều này giống như việc bạn mang vác các khối đá lên người để chạy vậy, bạn cần buông những khối đá này xuống, cơ thể mới nhẹ nhàng và có thể chạy nhanh đến đích được. 

Vì sao bạn cần phải nâng cao tần số rung động? Bởi vì những điều mà chúng ta tin là tuyệt vời và tốt đẹp đều có mức rung động cao, do đó việc nâng cao tần số rung động sẽ giúp bạn tiếp cận được với những điều tuyệt vời và tốt đẹp một cách dễ dàng. Đặc biệt, còn giúp bạn phát triển lên những tầng tâm thức cao hơn, mở rộng trí thức và sự thông thái vượt xa khỏi những hiểu biết của con người, hấp dẫn và thu hút những điều bạn mong muốn đến với bạn nhanh hơn

 3. Nhận ra bản chất cao quý của chính mình

Nghe những lợi ích này có vẻ vĩ mô và xa vời thực tế đúng không? Nhưng thật sự những điều này chỉ mới là một trong các lợi ích thiền định mang lại mà thôi. Một khi bạn nhận ra bản chất thật sự của mình đó chính là một thực thể năng lượng hay còn gọi là linh hồn với những khả năng và tiềm năng vô hạn thì lợi ích này chỉ là một phần rất nhỏ.

Nhưng thiền hay hành trình phát triển tâm linh để nhận ra bản chất thật sự của chính mình, sống và là hiện thân của linh hồn thì đó không phải là chuyện dễ dàng, đó là một hành trình tính bằng hàng ngàn, hàng vạn kiếp sống. Mình ở đây chỉ nêu ra bức tranh toàn cảnh cho các bạn thấy được điều tuyệt vời mà thiền mang tới, để các bạn có niềm tin, có động lượng kiên trì bước tiếp trên hành trình trở về với bản thể tuyệt với của chính mình.

 III. Cách thiền đơn giản nhất

Hiện tại có rất nhiều trường phái, các cách thiền định khác nhau, mình có thử qua một số cách nhưng mình thấy cách thiền quan sát hơi thở vẫn là cách phù hợp, đơn giản và hiệu quả nhất đối với mình.

Cách thức thực hiện: Đầu tiên, bạn lựa chọn một vị trí thoải mái, ngồi xếp bằng tốt nhất nên ngồi bán già và sau này luyện tập được thì nên ngồi kiết già vì đây là hai tư thế ngồi giúp năng lượng được đẩy lên thuận lợi hơn, hai tay để lên hai đầu gối hoặc xếp trồng lên nhau để trước bụng. Sau đó, có hai trường hợp:

  •  – Nếu bạn chỉ muốn thiền như một thói quen tu tập hàng ngày thôi thì bạn có thể hướng sự tập trung vào đầu 2 cánh mũi, quan sát cảm giác nóng lạnh khi hơi thở ra vào
  •  

 – Nếu bạn đang rất nóng giận, khó chịu, lo lắng, bất an,… tóm lại là cảm xúc tiêu cực thì bạn có thể hướng sự tập trung ở khu vực phần ngực, vì đó là nơi toả ra cảm xúc, khi bạn tập trung vào đó hít thở sẽ giúp khu vực đó thư giãn và khiến cảm xúc được đi lên và chuyển hoá nhanh hơn. Không những thế mỗi lần năng lượng được chuyển hoá bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, bình an, hoặc có thể là có thêm cho mình những nhận thức mới nữa.

Đó chính là cách mình thiền, tuy đơn giản vậy thôi nhưng nó thật sự rất hiệu quả.

 IV. Những khó khăn khi thiền và cách khắc phục
 1. Sự bận bịu của tâm trí 

Đây là khó khăn khó vượt qua nhất, bởi vì tâm trí của chúng ta với nhiều bận bịu và lo toang, cùng sự phát triển nhanh chóng của mọi thứ luôn khiến chúng ta phải vội vả, nhanh chóng, nên việc ngồi im lặng không làm gì cả cùng với một mớ bộn bề lo toang trong đầu diễn ra sẽ rất khó để bạn duy trì việc ngồi đó chỉ trong vòng 5 hay 10 phút.

Cách để khắc phục tình trạng này thì tốt nhất khi mới bắt đầu bạn chỉ cần ngồi thiền mỗi ngày 1 phút thôi cũng được, rồi sau 1 tuần tăng lên 2 phút, rồi tuần tiếp theo tăng lên 3-4-5 phút và sau đó là 10-20-30 thậm trí là 60 phút. Mặc dù tiến độ rất chậm nhưng thà chậm mà bạn duy trì được thói quen ngồi thiền còn hơn nhanh bạn làm vài ngày rồi bỏ.

 2. Đau nhức 

Đây là một khó khăn không ai ngồi thiền mà không gặp phải cả, việc ngồi xếp bằng trong thời gian đầu khi các cơ và dây chằng chưa được kéo dãn cùng với việc hai chân xếp đè lên nhau sẽ khiến cho việc lưu thông khí huyết xuống chân gặp nhiều khó khăn, nên dẫn đến tình trạng đau và tê khi ngồi. Song song với việc đau chân thì việc ngồi thẳng lưng đối với những người ngồi sai tư thế trong lúc ngồi học tập, làm việc trong một thời gian dài sẽ khiến họ bị đau nhứt.

Nhưng tin vui là việc đau nhức là một tín hiệu tốt bởi vì cơ thể bạn đang tự điều chỉnh lại tư thế tự nhiên của chính nó, nó đang uốn nắn cột sống trở về vị trí ban đầu sau một thời gian dài bạn ngồi không đúng tư thế làm cho cột sống bạn bị lệnh. Nên việc đi đau trong thời gian đầu của việc nắn chỉnh là một chuyển bình thường và hiển nhiên.

 V. Một số lầm tưởng về thiền
 1. Tự thiền có thể tẩu hoả nhập ma, loạn thần:

Chỉ việc ngồi xếp bằng thiền và quan sát hơi thở thì không thể có việc tẩu hoả nhập ma hay loại thần xảy ra.

Các trường hợp tẩu hoả nhập ma hay loạn thần là những trường hợp tu luyện theo các pháp môn thần bí nào đó, ngoài việc ngồi thiền họ còn kích hoạt và khai mở các trung tâm huyệt đạo (luân xa) dẫn đến những hỗn loạn các dòng chảy bên trong và bản thân người chưa đủ lực để có làm chủ những năng lượng mới được kích hoạt lên nên việc loạn thần xảy ra không có gì phải bất ngờ.

Do đó, mình nghĩ đây là một hành trình dài các bạn không cần phải có áp lực đi nhanh, để rồi đi vào những con đường không chính thống, tu luyện những pháp môn thần bí để có được thân thông và dẫn đến những hệ luỵ cho bản thân.

 2. Muốn thiền được phải không được có suy nghĩ:

Đây là một lầm tưởng mà gần như những ai muốn thực hành thiền cũng điều hiểu nhầm. Nhưng thật sự thì suy nghĩ và cảm xúc là 2 thứ mà nó luôn luôn xuất hiện bên trong bạn mỗi giây mỗi phút và việc thiền chính là giúp bạn học cách làm chủ 2 thứ này. Nếu phải ở vào trạng thái không suy nghĩ thì mới học thiền được thì bạn không cần phải học thiền nữa, bởi vì bạn đã đắc đạo rồi, đã vượt trên và có một khoảng cách xa với những suy nghĩ – cảm xúc và làm chủ được chúng rồi thì bạn cần gì phải học thiền nữa

 VI. Một số hiện tượng xuất hiện khi thiền
 1. Đau tức bất kỳ một vùng nào đó trên cơ thể:

Khi thiền chúng ta sẽ hướng sự tập trung của mình vào bên trong, bắt đầu cảm nhận những gì đang diễn ra bên trong nên những phản ứng đau nhứt/căng tức sẽ được chúng ta nhận thấy rõ gàng hơn.

Điều này có nghĩa là thật sự bạn luôn đau ở những phần đó nhưng vì bạn luôn hướng sự tập trung của mình ra bên ngoài nên không nhận biết, không cảm nhận được bên trong mình không ổn, cho tới khi thiền bạn bắt đầu tập trung hơn vào bên trong thì bạn mới nhận thấy điều đó.

 2. Rung lắc cơ thể: 

Đây là một hiện tượng rất thường thấy khi bạn bắt đầu thiền thường xuyên. Về bạn chất thì chúng ta luôn có một dòng chảy năng lượng luân chuyển để đưa năng lượng đi nuôi dưỡng khắp các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên trong quá trình sống chúng ta có rất rất nhiều trải nghiệm chưa hoàn thành/những ký ức còn dang dở được lưu trữ lại dưới dạng khối năng lượng tắc nghẽn mà mình đã chia sẻ ở trên. Và khi dòng chảy năng lượng này đi qua chạm vào cách khối tắc nghẽn nói phải uốn cong, luồn lách để tiếp tục di chuyển cung cấp năng lượng cho cơ thể, điều này cũng giống như dòng nước có nhiều cục đá chắn ngang dòng chảy vậy, nước phải uốn lượn, luồn lách để có thể chảy tiếp

Nếu dòng chảy này vậy luôn chảy và khối tắc nghẽn vẫn ở đó thì tại sao bình thường chúng ta không bị rung lắc mà lúc thiền mới bị? Việc này cũng giống như tình trạng đau nhứt ở trên, nó luôn như vậy nhưng vì bạn không hướng sự tập trung vào bên trong nên bạn không để ý thấy những phản ứng này trên cơ thể của mình, khi bạn hướng đủ sự tập trung thì bạn sẽ thấy được phản ứng đó. Việc này cũng giống như việc cát, cá, đá vẫn nằm im ở dưới lòng sông nhưng lúc nước đục bạn không thể nhận thấy được, lúc mặt nước tĩnh lặng, mọi thứ lắng xuống thì điều gì cần hiện lên nó sẽ hiện lên. Bạn không thấy không có nghĩa là nó không ở đó.

 3. Mở rộng các giác quan: 

Thiền cũng là lúc mọi thức bắt đầu lắng xuống, năng lượng được thuận lợi bom đến các cơ quan trong cơ thể nên các cơ quan hoạt động tốt hơn bình thường. Việc này sẽ đồng nghĩa với việc trong lúc thiền các giác quan của bạn sẽ phát triển và mở rộng hơn, mũi bạn sẽ nhạy hơn có thể ngửi được những mùi hương trộn lẫn trong không khí mà bình thường bạn không ngửi được, tai bạn có thể thính hơn nghe được những âm thanh rất nhỏ hoặc những âm thanh từ rất xa, mắt bạn có thể tinh hơn, có thể thấy được những hình ảnh/biểu tưởng mặc dù khi đang nhắm mắt thiền, xúc giác của bạn cũng nhạy hơn bạn có thể nổi da gà, giật cơ thì tiếp nhận được những thông tin nào đó, trực giác của bạn cũng nhạy hơn bạn có thể cảm nhận hoặc dự đoán trước được tình huống nào đó có thể xảy ra. Đây là những biểu hiện rất bình thường khi bạn thực hành thiền định thường xuyên

 
 4. Cảm nhận được dòng năng lượng dịch chuyển: 
 

Như mình đã nói ở trên chúng ta luôn có một dòng chảy năng lượng luôn luôn tuôn chảy, và khi bạn bắt đầu thiền hướng sự tập trung vào bên trong bạn sẽ cảm thấy có một dòng năng lượng chạy thẳng lên từ cột sống, dựng thẳng người của bạn. Cảm giác như có một thanh cây dài cố định và dựng thẳng cột sống của mình lên vậy. Đây cũng là một biểu hiện rất bình thường khi thực hành thiền, nên nếu gặp những biểu hiện như thế các bạn có thể yên tâm nhé!

Chúc mừng bạn đã đi qua hết một vòng lớn về “Thiền”, mình tin thông qua bài viết này phần lớn các thắc mặc của bạn về thiền sẽ được giải đáp một cách chi tiết và cặn kẻ, bài viết sẽ là nền tảng căn bản đủ để bạn có hiểu biết rõ ràng về thiền, cũng như bước đệm để sau này bạn có thể có căn cứ tìm hiểu và khám phá sâu hơn về thiền. Vì thế bạn đừng ngần ngại mà hãy lưu hoặc chia sẻ bài viết này về trang cá nhân của bạn để bạn có thể tiện tìm và đọc lại khi cần nhé! Mình rất vinh hạnh khi được bạn ghé thăm và đọc đến những dòng cuối cùng này. Chúc bạn vững vàng trên chặn hành trình phía trước nhé!

lykimngan.com

Lý Kim Ngân

Nếu bạn thấy bài viết này có giá trị và hữu ích dành cho bạn thì hãy mời Ngân một cốc cafe nhé!

The Gratefulness

Đồng hành cùng bạn trên hành trình Phát triển tâm linh. The Gratefulness sẽ là nơi đánh thức và nuôi dưỡng những vẻ đẹp và sức mạnh nội tại bên trong mỗi người, thông qua những chia sẻ gần gũi, đơn giản và dễ áp dụng. Và cũng là nơi để bạn tìm về nguồn năng lượng Bình an – Tự do – Thuần thiết

Nhận thông báo bài viết mới

    Spiritual Coach 1:1

    Nuôi dưỡng và phát triển những giá trị nội tại